top of page

Vốn chủ sở hữu (Equity) là gì? Cách xem Equity trên Báo cáo tài chính

Mỗi doanh nghiệp từ khi thành lập và đi vào hoạt động đều cần có một số vốn nhất định, hình thành từ các nguồn khác nhau. Cơ cấu vốn của doanh nghiệp gồm 2 loại: Vốn nợ và Vốn chủ sở hữu (hay Equity).

Vốn chủ sở hữu, hay Equity là gì?

Vốn chủ sở hữu (Owner’s Equity) là phần tài sản thuần của doanh nghiệp, thuộc sở hữu của cổ đông và là phần còn lại sau khi lấy tổng tài sản trừ đi nợ phải trả.

Công thức tính: Vốn chủ sở hữu (Equity) = Tổng tài sản – Nợ phải trả

Vốn chủ sở hữu từ báo cáo tài chính số hóa - FireAnt Excel


Phân biệt: Vốn chủ sở hữu và Vốn điều lệ

Vốn điều lệ là số vốn do thành viên, cổ đông công ty góp hoặc cam kết góp trong thời hạn nhất định. Số vốn này được quy định trong Điều lệ công ty.

Trên báo cáo tài chính, nó được thể hiện dưới tên gọi là Vốn cổ phần.

Nó là cơ sở để xác định tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên trong doanh nghiệp. Qua đó, làm cơ sở để phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các cổ đông.

Vốn điều lệ chỉ được phép thay đổi khi có sự đồng ý của cổ đông.

Ví dụ như việc huy động tăng thêm vốn hay không, sẽ phải được đưa ra thảo luận trong Đại hội cổ đông…

  • Vốn chủ sở hữu là tất cả số vốn thuộc về cổ đông. Được cấu thành từ Vốn cổ phần (vốn điều lệ), Lợi nhuận chưa phân phối, và các nguồn khác.

Như vậy, vốn chủ sở hữu có quy mô lớn hơn so với vốn điều lệ.


Phân biệt: Vốn chủ sở hữu và Vốn hóa thị trường

Vốn hóa thị trường là số tiền bỏ ra mua toàn bộ vốn cổ phần của một doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, nó là một đặc điểm quan trọng để giúp các nhà đầu tư xác định rủi ro cũng như lợi nhuận trong cổ phiếu của một công ty.

Công thức tính:

Vốn hóa (Equity Value) = Giá của 1 cổ phiếu x Số lượng cổ phiếu đang lưu hành


Lấy ví dụ Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VNM)

Giá đóng cửa của VNM 13/1/2021 là: P = 114.500 đồng

Số lượng cổ phiếu lưu hành: KLCP = 2.089.645.346 cổ phiếu (hay còn gọi là Khối lượng cổ phiếu)

Khi đó vốn hóa của VNM là:

P * KLCP = 114.500 x 2.089.645.346 = 239.364.390.000.000 đồng (hay 239.264 tỷ đồng)


Vốn hóa là căn cứ để đánh giá quy mô của doanh nghiệp và bị phụ thuộc vào giá trị cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu sẽ có sự biến động theo thời gian.

Nhưng, vốn chủ sở hữu lại là căn cứ tính toán giá trị thực của doanh nghiệp vì nó không phụ thuộc vào giá trị cổ phiếu.

 

Cách tính giá trị doanh nghiệp

Giá trị của doanh nghiệp (Enterprise Value) là đại diện cho toàn bộ giá trị kinh tế của công ty. Thể hiện mức giá mà nhà đầu tư sẽ phải trả để mua toàn bộ một công ty hay doanh nghiệp.

Hay nói cách khác…

…Giá trị của doanh nghiệp là giá phải bỏ ra để mua toàn bộ vốn cổ phần, nợ vay của doanh nghiệp. Và thường được sử dụng trong trường hợp mua lại một công ty/ doanh nghiệp.

Mục đích việc tính EV là:

  • Biết doanh nghiệp đó đáng giá bao nhiêu tiền

  • So sánh doanh nghiệp đó với các doanh nghiệp khác

Công thức tính đơn giản của EV:

EV = Vốn hóa thị trường + tổng nợ – tiền và các khoản tương đương tiền


Tiếp tục với VNM, chúng ta đã tính vốn hóa của VNM ở trên là 239.264 tỷ đồng

Giá trị doanh nghiệp của VNM = 239.264 + 14.968 – 2.665 = 251.567 tỷ đồng

Vai trò của tổng nợ và tiền mặt trong tính giá trị doanh nghiệp

Công thức trên cho chúng ta thấy, giá trị doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tiền mặt và tổng nợ.

Chẳng hạn, 2 công ty A và B cùng có vốn hóa thị trường 100 tỷ. Công ty A có nợ 20 tỷ và không có tiền mặt, còn công ty B không có nợ nhưng lại có 10 tỷ tiền mặt.

Theo công thức thì:

EV (A) = 500 + 20 = 520 tỷ

EV (B) = 500 -10 = 490 tỷ


Giá trị của công ty A lớn hơn B. Tức là, nhà đầu tư sẽ phải mua công ty A với mức giá đắt hơn mua công ty B dù hai công ty có vốn hóa thị trường bằng nhau.

Tóm lại, tiền mặt sẽ làm giảm giá phải trả để mua doanh nghiệp. Ngược lại, nợ sẽ khiến tăng giá mua của một doanh nghiệp.

 

Vốn chủ sở hữu gồm những gì?

Bạn sẽ thấy sự xuất hiện của vốn chủ sở hữu trên Bảng cân đối kế toán, dưới các dạng sau:

#1. Vốn đầu tư (hay vốn góp) của chủ sở hữu

Là số vốn đầu tư của cổ đông.

Bao gồm:

  • Vốn góp chủ sở hữu (hay vốn cổ phần): Là số vốn góp thực tế của cổ đông, được quy định trong điều lệ công ty. Theo quy định, đối với CTCP, số vốn góp sẽ được ghi nhận theo mệnh giá cổ phiếu.

  • Thặng dư vốn cổ phần: Số tiền doanh nghiệp thu được từ chênh lệch giá phát hành với mệnh giá cổ phiếu.

Theo quy định của UBCKNN, mỗi cổ phiếu đều có một mệnh giá cố định là 10.000 đồng. Bất kể đó là cổ phiếu của VinGroup (VIC), của Vinamilk (VNM) hay một công ty nào đó chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng, nhưng mức giá giao dịch trên thị trường sẽ khác nhau.

Giả sử, giá tham chiếu trên thị trường của cổ phiếu ABC hiện là 30.000 đồng. Doanh nghiệp ABC sẽ phát hành ra công chúng 20.000 cổ phiếu.

Điều này không có nghĩa là ABC sẽ phải bán cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ, mà sẽ bán gần với mức giá trên thị trường. Ví dụ là 30.000 đồng.

Khi đó, số tiền ABC thu về là: 30.000 x 20.000 = 600.000.000 đồng.

Số tiền này được phân bổ như sau:

  • Số tiền: 10.000 x 20.000 = 200.000.000 đồng. Chúng sẽ được thêm vào phần Vốn cổ phần. Đồng thời, 20.000 cổ phiếu sẽ được cộng vào số cổ phiếu đang lưu hành.

  • Số tiền còn lại: 600.000.000 – 200.000.000 = 400.000.000 đồng. Đây chính là phần thặng dư vốn cổ phần của ABC.

#2. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh

Bao gồm:

  • Các quỹ: Quỹ dự phòng tài chính, quỹ đầu tư phát triển,… Các quỹ này được doanh nghiệp trích lập để sử dụng cho những mục đích khác nhau như dự phòng, hoặc cho hoạt động đầu tư. Nguồn được lấy từ nguồn lợi nhuận trong năm.

Tỷ lệ trích lập các quỹ được quy định trong Điều lệ công ty, và không vượt quá tỷ lệ mà pháp luật quy định.

  • Lợi nhuận chưa phân phối: khoản lợi nhuận còn lại, chưa chia.

#3. Chênh lệch đánh giá tài sản

Bao gồm:

  • Chênh lệch đánh giá lại tài sản: Phản ánh số chênh lệch do đánh giá lại tài sản hiện có của doanh nghiệp. Tài sản đánh giá lại chủ yếu là TSCĐ, BĐS đầu tư, hay thậm chí là Hàng tồn kho…

  • Chênh lệch tỷ giá hối đoái: Chênh lệch tỷ giá hối đoái thường phát sinh trong các trường hợp:

    • Thực tế mua bán, trao đổi, thanh toán phát sinh bằng ngoại tệ.

    • Đánh giá lại các mục tiền tệ có gốc ngoại tệ;

    • Chuyển đổi BCTC từ ngoại tệ sang Việt Nam đồng.

#4. Nguồn khác

Bao gồm:

  • Cổ phiếu quỹ: giá trị số cổ phiếu do doanh nghiệp mua lại. Giá trị này bao gồm giá cổ phiếu tại thời điểm mua lại và toàn bộ các chi phí liên quan.

  • Nguồn vốn đầu tư XDCB, nguồn kinh phí sự nghiệp…

Nguồn vốn #1#2 là 2 nguồn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu vốn chủ sở hữu; #3, #4 chiếm tỷ trọng khá nhỏ.


Vốn chủ sở hữu giảm thể hiện điều gì?

Là một nguồn vốn của doanh nghiệp.

Vốn chủ sở hữu giảm sẽ khiến cho số vốn đầu tư của doanh nghiệp ít đi. Quy mô sản xuất có thể bị thu hẹp

Khi đó, muốn duy trì hoạt động sản xuất, bắt buộc doanh nghiệp sẽ phải đi vay nợ. Nợ vay nhiều sẽ dẫn tới mất cân đối tài chính.

Như bạn đã biết…

Hàng năm, vốn chủ sở hữu sẽ được bổ sung bằng nguồn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sẽ sử dụng nguồn lợi nhuận này để tái đầu tư.

Tuy nhiên, cổ đông cũng sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải trích 1 phần lợi nhuận trả cổ tức.

Vậy…

Trả cổ tức tác động như thế nào đến vốn chủ sở hữu?

Cổ tức là phần lợi nhuận sau thuế chia cho cổ đông, sau khi doanh nghiệp đã trích lập các quỹ.

Cổ tức tiền mặt

Trả cổ tức bằng tiền mặt là việc doanh nghiệp dùng tiền, từ lợi nhuận kiếm được, để chia cho cổ đông.

Nguồn tiền chi trả được lấy từ Lợi nhuận chưa phân phối khiến vốn chủ sở hữu giảm tương ứng với số cổ tức tiền được chi ra.

Như vậy, việc trả cổ tức bằng tiền

  • Mang lại lợi ích trực tiếp cho cổ đông

  • Chứng minh năng lực tài chính tốt

  • Cho thấy doanh nghiệp vẫn “có tiền” trả cổ tức.

  • Tuy nhiên vẫn gây ra ảnh hưởng tiêu cực là làm giảm vốn chủ sở hữu. Điều này làm chậm quá trình tái đầu tư mở rộng sản xuất.

Cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng

Đây là trường hợp doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông.

Trong tình huống này, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc phát hành cổ phiếu thưởng sẽ không làm thay đổi vốn chủ sở hữu.

Lúc này, dòng tiền này không đi ra khỏi doanh nghiệp. Nó chỉ chuyển từ Lợi nhuận chưa phân phối, sang Vốn cổ phần mà thôi.

Lợi ích của việc làm này là doanh nghiệp giữ lại được toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư mở rộng hoạt động.

 

Bonus: Chi phí vốn chủ sở hữu

Doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để huy động vốn. Nhà đầu tư mua cổ phiếu của doanh nghiệp, điều đó có nghĩa là họ sẽ đánh mất cơ hội để đầu tư vào cơ hội đầu tư khác. Đồng nghĩa với việc mất đi thu nhập mà nhà đầu tư có thể nhận được từ cơ hội khác đó.

Vì thế, họ sẽ đòi hỏi một mức tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư vào doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, thì tỷ suất lợi nhuận đòi hỏi của nhà đầu tư được coi là mức sinh lời tối thiểu phải đạt được.

Mức tỷ suất lợi nhuận này được gọi là chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu.

Chi phí sử dụng vốn được sử dụng chủ yếu trong việc ra quyết định có nên huy động thêm vốn cho dự án kinh doanh của doanh nghiệp hay không?


bottom of page