top of page

Chỉ số P/E là gì? Chỉ số P/E như thế nào là tốt? (+Ví dụ)

Ở bài này chúng ta sẽ tìm hiểu về P/E, cách tính chỉ số P/E và xác định mức P/E nào là tốt

Chỉ số P/E là gì?

Chỉ số P/E (Price to Earning) là chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) và thu nhập trên một cổ phiếu (EPS). Công thức: P/E = Giá thị trường của cổ phiếu (Price)/Thu nhập trên một cổ phiếu (EPS)


Ý nghĩa của chỉ số P/E

Chỉ số P/E thể hiện mức giá mà bạn sẵn sàng bỏ ra cho một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu.

Hay, bạn sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho cổ phiếu của 1 doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận (thu nhập) của doanh nghiệp đó.

Ví dụ: Cổ phiếu HPG hiện đang có P/E là 9,46

Điều đó nghĩa là…

Nhà đầu tư chấp nhận bỏ ra 9,46 đồng để đổi lấy 1 đồng lợi nhuận từ HPG


Cách tính chỉ số P/E

Để tính chỉ số P/E của doanh nghiệp, bạn cần xác định 2 yếu tố cấu thành nên chỉ số. Đó là: Price và EPS.

  • Price là giá thị trường của cổ phiếu.

  • EPS là thu nhập (lợi nhuận ròng) của một cổ phiếu.

Trong đó, EPS được coi là biến số quan trọng nhất.

Công thức tính EPS:

EPS = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức ưu đãi) / Số lượng cổ phiếu thường đang lưu hành

Trong việc tính toán EPS, sẽ chính xác hơn nếu bạn sử dụng Số lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong kỳ.


Hiện tại trên FireAnt.vn có BCTC số, thuận tiện cho các NĐT theo dõi các chỉ số tài chính mà không cần phải tính toán.


Chỉ số P/E như thế nào là tốt?

Thông thường, chỉ số P/E cao thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư về việc tăng trưởng thu nhập từ cổ phiếu đó sẽ cao hơn trong tương lai.

Các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường sẵn sàng trả một mức “premium” cho những doanh nghiệp hàng đầu. Vì thế mà những doanh nghiệp này có chỉ số P/E rất cao.


Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng…

Chỉ số P/E cao đôi khi là biểu hiện việc doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả (các chỉ số tài chính sẽ chỉ ra điều này rõ ràng hơn), khiến EPS thấp (thậm chí = 0) nên chỉ số P/E mới cao.

Chỉ số P/E thấp

Có rất nhiều lý do để doanh nghiệp có chỉ số P/E thấp ở một thời điểm.

  • Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn so với thời gian trước => Lợi nhuận trên 1 cổ phần (EPS) tăng lên => P/E thấp. Trong trường hợp này có thể nói cổ phiếu đang bị định giá thấp và là cơ hội để chúng ta mua vào.

  • Doanh nghiệp thu được lợi nhuận bất thường (từ thanh lý tài sản, hay bán công ty con,…). Nhưng khoản lợi nhuận này sẽ không bền vững.

  • Do các cổ đông hiện hữu không còn thấy khả năng phát triển của doanh nghiệp, nên quyết định bán chốt lời => giá cổ phiếu giảm => P/E thấp.

Với những trường hợp này, chỉ số P/E ở mức thấp có thể sẽ duy trì trong một khoảng thời gian, nhưng có lẽ cổ phiếu đó không được coi là rẻ, bởi triển vọng phát triển của doanh nghiệp không còn tươi sáng.

Chỉ số P/E tốt là…

Thật khó để nói rằng chỉ số P/E nào đó là tốt và tốt như thế nào…

Chỉ số P/E hiện tại cao hay thấp không có nhiều ý nghĩa nếu đứng một mình. Nó cần được đem ra so sánh với P/E toàn ngành cũng như với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và thu nhập dự kiến của công ty.

VD:

Năm 2019: Chỉ số P/E của CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) là 94,57

Cũng cao đấy chứ nhỉ! Đừng vội mừng…

P/E = 94, nghĩa là bạn sẽ phải đợi gần 1 thế kỷ mới có thể thu hồi vốn.

P/E của ROS cao như vậy là do EPS của doanh nghiệp quá thấp, chỉ khoảng 340 đồng/CP, trong khi giá cổ phiếu gần 32.000 đồng

=> Vượt rất xa so với giá trị thực.

Nếu nắm giữ ROS lâu dài…

Tôi tin rằng, bạn sẽ sớm trở thành David Copperfield thứ hai, một ảo thuật gia với khả năng biến “Tiền vàng thành giấy lộn”.

Và sự thật đã chứng minh, hiện tại (2021), cổ phiếu ROS được giao dịch ở vùng giá chỉ còn 5.000-6.000đ


Ưu, nhược điểm của phương pháp P/E

Ưu điểm:

  • Đơn giản, được nhiều nhà đầu tư mới sử dụng.

  • Hiệu quả: Phản ánh kết quả hoạt động của công ty (EPS) và tâm lý thị trường (Price). Cổ phiếu có thể tăng giá trong tương lai khi EPS tăng (P/E không đổi) hoặc mức khi vọng của nhà đầu tư với cổ phiếu tăng (P/E tăng).

  • Thước đo tâm lý hiệu quả: chỉ số VNINDEX được lấy theo tỷ trọng (weighted) của các cổ phiếu sàn nên bạn hoàn toàn có thể tính được chỉ số P/E của toàn thị trường.

VD: tại năm 2018 khi tâm lý đám đông quá hưng phấn (trong khi EPS của doanh nghiệp chưa kịp tăng), chỉ số P/E của toàn thị trường sau khi vượt 22 đã điều chỉnh xuống mức 17.5.

Bạn có thể vẽ chỉ số P/E của doanh nghiệp (thị trường) trong lịch sử khoảng 10 năm để xem doanh nghiệp (thị trường) đang đắt hay rẻ so với chính nó.


Nhược nhiểm:

  • P/E âm: Khi doanh nghiệp hoạt động thiếu hiệu quả và xảy ra lỗ (dẫn tới EPS âm) thì chỉ số P/E của doanh nghiệp đó sẽ không sử dụng được.

  • Chất lượng của EPS: EPS được tính dựa trên lợi nhuận của doanh nghiệp nên cần đánh giá xem lợi nhuận DN có bền vững không. Nhiều trường hợp doanh nghiệp sử dụng các nghiệp vụ kế toán để điều chỉnh hợp nhuận tăng (giảm) đột biến, phục vụ lợi ích của họ.


Nghịch đảo chỉ số P/E

Một số nhà đầu tư không sử dụng chỉ số P/E đơn thuần mà họ thích sử dụng nghịch đảo của chỉ số P/E hơn…

Ngược lại, EPS/Price hay còn được gọi là Earning Yield cho bạn biết mức lợi tức mà doanh nghiệp kiếm được trong năm hiện tại.

Ví dụ: E/P của cổ phiếu NT2 = 1/8,5 = 11,76%.

=> Nếu mua NT2 với giá 21,650 đồng/cổ phiếu, mỗi năm doanh nghiệp sẽ mang lại mức lợi tức khoảng 11,76%.

Với tư cách là một cổ đông, bạn thường mong muốn doanh nghiệp mình đầu tư có mức lợi tức lớn hơn hoặc bằng với Chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.


Kết luận

Từ 3 ví dụ trên, bạn có thể thấy rằng:

  • Đánh giá chỉ P/E bao nhiêu là tốt, là hợp lý không hề đơn giản. Chúng không phải những con số khô cứng, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

  • Nên so sánh với P/E của các doanh nghiệp cùng ngành và P/E của chính doanh nghiệp đó trong quá khứ để biết được cổ phiếu đó hiện tại đang “đắt” hay “rẻ”.

  • Không nên coi chỉ số P/E là nhân tố chính để quyết định mua hay bán cổ phiếu.

 

Bonus – Định giá theo phương pháp Absolute PE

Chỉ số P/E cũng là một trong những công cụ được sử dụng để định giá cổ phiếu.

Phương pháp P/E mà mọi người hay áp dụng…

Thông thường, nhà đầu tư và hầu hết các CTCK sẽ áp dụng chỉ số P/E như sau:

  • Bước 1: So sánh chỉ số P/E của doanh nghiệp với các đối thủ cạnh tranh (trong nước và khu vực).

  • Bước 2: Nếu chỉ số P/E trung bình ngành (lấy từ đối thủ cạnh tranh) cao hơn P/E hiện tại của cổ phiếu. Họ sẽ sử dụng chỉ số P/E trung bình ngành (có điều chỉnh) làm hệ số nhân để kết hợp với mức EPS đã dự phóng.

  • Bước 3: Kết quả của phép nhân giữa P/E (ngành) và EPS (dự phóng) là giá trị (tuyệt đối) của cổ phiếu đó.

Tuy nhiên…

Nhược điểm là nếu thị trường đang bị đẩy lên quá cao, việc sử dụng chỉ số P/E của các doanh nghiệp cùng ngành sẽ không chính xác.

Ngoài ra, việc so sánh tương đối với các doanh nghiệp khác dễ đem đến một tư duy “chệch” vì cấu trúc vốn của mỗi doanh nghiệp là khác nhau, mức độ rủi ro cũng như lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp cũng khác nhau.

Vì vậy, ở phần này, tôi sẽ giới thiệu đến bạn 1 phương pháp định giá khác cũng dựa trên chỉ số P/E.

Phương pháp Absolute PE

Định giá theo Absolute PE được thực hiện theo 1 cách hoàn toàn khác, dựa trên giá trị nội tại của doanh nghiệp.

Mô hình sẽ xác định giá trị của 1 cổ phiếu dựa trên 5 yếu tố chính:

  • Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận

  • Mức tỷ suất cổ tức

  • Rủi ro kinh doanh

  • Rủi ro tài chính

  • Sự ổn định trong việc ước lượng lợi nhuận

Như vậy, muốn áp dụng thành công phương pháp này thì bạn sẽ phải thực sự hiểu rõ cấu trúc, hoạt động kinh doanh, đồng thời xác định được các yếu tố rủi ro bên trong doanh nghiệp.




bottom of page