top of page

Chỉ số P/B: Ý nghĩa và cách tính (NHANH NHẤT)

Updated: Dec 8, 2021

Chỉ số P/B (Price to Book ratio) là 1 chỉ số tài chính quan trọng, được sử dụng để so sánh giá của cổ phiếu với giá trị ghi sổ của cổ phiếu đó.

Công thức tính:

P/B = Giá thị trường của cổ phiếu (Price) / Giá trị ghi sổ của cổ phiếu (Book value per Share)

Ý nghĩa của chỉ số P/B

Chỉ số P/B cho biết:

Giá cổ phiếu đang cao gấp bao nhiêu lần so với giá trị ghi sổ của doanh nghiệp?

VD:

P/B của HPG đang là 3,31. Điều đó có nghĩa là:

Để sở hữu cổ phiếu HPG, nhà đầu tư chấp nhận trả gấp 3,31 lần giá trị ghi sổ.

Chỉ số P/B là công cụ giúp nhà đầu tư tìm kiếm các cổ phiếu giá rẻ, đang bị thị trường ít quan tâm đến.

 

Cách tính chỉ số P/B

Để tính chỉ số P/B, bạn cần xác định 2 yếu tố cấu thành là:

  • Giá thị trường (Price)

  • Giá trị ghi sổ trên 1 cổ phiếu (Book Value per Share).

Trong đó:

Giá trị ghi sổ trên 1 cổ phiếu = (Tổng giá trị tài sản – Giá trị tài sản vô hình – Nợ) / Số lượng cổ phiếu lưu hành

Giá trị ghi sổ cho chúng ta biết: giá trị tài sản (hữu hình) của doanh nghiệp còn lại là bao nhiêu, nếu ngay lập tức doanh nghiệp ngừng hoạt động, không kinh doanh nữa.

Việc tính toán gồm các bước sau:

Bước 1: Xác định Giá trị ghi sổ (Book Value)

Dựa vào Bảng cân đối kế toán, tìm ra các thông số:

  • Tổng tài sản

  • Giá trị tài sản vô hình

  • Nợ phải trả

Bảng cân đối kế toán số trên FireAnt Web Platform

Áp dụng Công thức:

Giá trị ghi sổ trên 1 cổ phiếu = (Tổng giá trị tài sản – Giá trị tài sản vô hình – Nợ) / Số lượng cổ phiếu lưu hành


Bước 2: Xác định Giá thị trường (Price)

Giá thị trường xác định bởi giá đóng cửa phiên cuối cùng, xem tại mục "Giá quá khứ"

Giá quá khứ của mã HPG, xem tại FireAnt.vn

Bước 3: Tính chỉ số P/B

Lấy Giá thị trường chia cho Book Value per Share.


Một cách khác là chúng ta có thể sử dụng chỉ số P/B được tính sẵn.

 

Chỉ số P/B bao nhiêu là tốt?

Chỉ số P/B cao

1 doanh nghiệp có chỉ số P/B ở mức cao chỉ ra rằng thị trường đang kỳ vọng về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai. Vì thế các nhà đầu tư sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho giá trị ghi sổ của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý đến nợ phải trả (đặc biệt là nợ vay) của doanh nghiệp có ở mức cao hay không?

Bởi vì:

  • Một doanh nghiệp sở hữu số nợ lớn, sẽ vô tình khiến cho Giá trị ghi sổ ở mức thấp. Dẫn tới chỉ số P/B sẽ cao.

  • Việc sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao sẽ mang lại những rủi ro lớn cho doanh nghiệp. Thậm chí, nếu tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp tạo ra thấp hơn chi phí sử dụng vốn thì khi đó, giá trị doanh nghiệp sẽ suy giảm.

Chỉ số P/B thấp

Có nhiều lý do để chỉ số P/B ở mức thấp…

  • Nhà đầu tư đánh giá Giá trị thị trường của doanh nghiệp thực tế thấp hơn nhiều so với Giá trị ghi sổ. Vì thế, họ chỉ chấp nhận 1 mức giá thấp hơn cho giá trị sổ sách.

  • Doanh nghiệp đang trong giai đoạn hồi phục (của một chu kỳ kinh doanh), kết quả kinh doanh dần cải thiện, lợi nhuận gia tăng, giúp giá trị sổ sách tăng lên. Trong trường hợp này, có thể nói cổ phiếu đang bị định giá thấp và là cơ hội để chúng ta mua vào.

  • Thậm chí khi mà chỉ số P/B nhỏ hơn 1, tức giá cổ phiếu của doanh nghiệp đang bán với giá thấp hơn cả giá trị ghi sổ.

Về mặt lý thuyết, bạn có thể mua tất cả các cổ phiếu đang lưu hành của công ty, thanh lý tài sản và kiếm được lợi nhuận vì tài sản có giá trị cao hơn giá cổ phiếu tích lũy.

Mặc dù trong thực tế, chiến lược này có thể sẽ không khả thi.


Chỉ số P/B “tốt” là…

Khó có thể xác định một giá trị cụ thể cho chỉ số P/B “tốt”. Nó có thể tốt ở ngành này, nhưng sẽ là kém ở một ngành khác.

Chỉ số P/B nếu đứng riêng lẻ thì không có nhiều giá trị.

Muốn biết liệu cổ phiếu đó có đang bị định giá thấp hay không, bạn cần so sánh chỉ số P/B với đối thủ cạnh tranh và so với mức trung bình ngành.

 

Ưu điểm và nhược điểm của chỉ số P/B

Ưu điểm

  • Giá trị ghi sổ thường luôn dương, nên có thể áp dụng để định giá những doanh nghiệp thua lỗ.

  • Giá trị ghi sổ thường ổn định hơn EPS. Do đó, trong nhiều trường hợp, khi EPS biến động quá lớn, thì việc áp dụng P/B để xem xét sẽ hiệu quả hơn.

Hạn chế

  • Chỉ số P/B chỉ phản ánh giá trị tài sản hữu hình của doanh nghiệp. Chỉ số không tính đến các tài sản vô hình như: thương hiệu, nhãn hiệu, uy tín, bằng sáng chế và các tài sản trí tuệ khác…

Đây đều là những lợi thế cạnh tranh vô hình nhưng có tầm ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh càng lớn thì càng có nhiều lợi thế trong việc đàm phán với khách hàng, đối tác, hay nhà cung cấp.

Điều đó giúp doanh nghiệp có 1 biên lợi nhuận ở mức cao hơn so với trung bình ngành và duy trì ổn định trong một thời gian dài.

  • Giá trị ghi sổ có thể không phản ánh đúng giá trị thị trường của tài sản.

Ví dụ doanh nghiệp sở hữu 1 mảnh đất từ 5 năm trước. Hiện tại giá trị mảnh đất đã tăng gấp nhiều lần trước đây. Tuy nhiên, bảng cân đối kế toán sẽ chỉ thể hiện “giá gốc ban đầu” của mảnh đất mà thôi.

Hay một dây chuyền sản xuất đã hết khấu hao nhưng vẫn được sử dụng, hoạt động bình thường.

Như vậy, trong nhiều trường hợp, chúng ta sẽ dễ bị “đánh lừa” nếu chỉ sử dụng duy nhất chỉ số P/B để đánh giá.

 

Bonus – Mối quan hệ giữa P/B và ROE

Theo Damodaran, giáo sư Tài chính tại Trường Kinh doanh Stern (Đại học New York):

Yếu tố ảnh hưởng nhất đến chỉ số P/B là tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE).

Các doanh nghiệp có ROE càng cao, thì P/B càng lớn.

Các nhà đầu tư sẽ quan tâm đến các doanh nghiệp có tỷ suất ROE cao và chỉ số P/B còn đang thấp so với mặt bằng chung của ngành để tìm kiếm những cơ hội đầu tư.

Khi đó, cổ phiếu tốt là những cổ phiếu có mức ROE tương đương với những doanh nghiệp khác nhưng có chỉ số P/B thấp hơn (rẻ hơn).

Bạn có thể sử dụng biểu đồ (dạng Scatter trên Excel) để biểu thị mối quan hệ P/B và ROE.

Cụ thể:

  • Đường chéo trên biểu đồ thể hiện sự tương quan giữa P/B và ROE của cổ phiếu.

  • Nửa dưới đường chéo: những cổ phiếu đang bị định giá thấp. Chúng xứng đáng có một mức định giá tốt hơn, tương xứng với mức ROE của nó.

  • Nửa trên đường chéo: những cổ phiếu đang được thị trường định giá quá cao

  • Nằm gần đường chéo: những cổ phiếu có giá phản ánh hợp lý giá trị của nó.

Tất nhiên, những nhận xét trên phụ thuộc nhiều vào “tập hợp mẫu” mà bạn lựa chọn để đánh giá.

Các doanh nghiệp được lựa chọn càng tương đồng với cổ phiếu (cần định giá) về: ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, quy mô (vốn hóa), cơ cấu đòn bẩy tài chính… thì độ chính xác sẽ càng cao.


Nguồn: GoValue


bottom of page