top of page

“Cắt lỗ” – Nguyên tắc tối thượng trong đầu tư chứng khoán

Updated: Aug 11, 2023

“Cắt lỗ” – công việc mà bất cứ một nhà đầu tư chứng khoán nào cũng đều không muốn phải thực hiện.

Tuy nhiên, nếu không hành động kịp thời và dứt khoát thì thành quả đầu tư của bạn sẽ tan thành mây khói.

Hiểu được nguyên nhân vì sao cần phải “cắt lỗ” và thực hiện “cắt lỗ” sao cho hợp lý là bài học mà mọi nhà đầu tư đều phải nhớ kỹ.

Cắt lỗ và để lợi nhuận được tiếp tục
Chìa khóa để giao dịch thành công chính là kỷ luật trong cảm xúc. Nếu sự thông minh là chìa khóa, thì có cả đống người kiếm được tiền từ giao dịch rồi. Tôi biết điều này nghe hơi giáo điều. Nhưng lý do quan trọng nhất khiến người ta mất tiền trên thị trường tài chính đó là việc họ không cắt những khoản lỗ sớm - Victor Sperandeo
Số lãi cần để hoàn lại vốn khi lỗ

Thiệt hại khôn lường nếu không “cắt lỗ” kịp thời

Vấn đề ở đây nằm ở tính “tự tin thái quá” của mỗi người.

Khi bước chân vào thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cho rằng mình đủ thông minh và với vốn kiến thức “uyên bác” này, họ có thể dễ dàng chiến thắng.

Cùng với đó là “cái tôi quá cao”, “tính ngoan cố quá lớn” sẽ khiến bạn không dễ dàng gì tuân theo nguyên tắc “cắt lỗ” ngay từ đầu.

Khi thấy cổ phiếu đang nắm giữ giảm giá, bạn thường mắc sai lầm xem nhẹ và lờ đi số % lỗ ít ỏi, cũng như không lên kế hoạch để bảo vệ khoản đầu tư của mình nên không thấy được hậu quả của hành vi “ôm lỗ” mang lại.

“Học cách thua lỗ. Điều quan trọng nhất khi kiếm tiền là không được để khoản lỗ nằm ngoài kiểm soát của bạn.” – Marty Schwartz

GoValue lấy ví dụ về cố phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB):

  • 80% – đây là mức lợi nhuận mà cổ phiếu VPB mang lại cho nhà đầu tư trong vòng 4 tháng (từ khoảng cuối tháng 12/2017 đến đầu tháng 4/2018). Một mức lợi nhuận mơ ước đối với nhiều người.

  • Tuy nhiên, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng rưỡi sau đó, giá cổ phiếu VPB đã quay đầu giảm sâu, cuốn bay mọi thành quả có được trước đấy, khiến nhiều nhà đầu tư “khóc ròng”.

=> Như vậy, nếu bạn không “cắt lỗ” kịp thời, tài sản của bạn có thể “bốc hơi” mà bạn không thể làm gì được.


“Câu chuyện ông lão bắt gà tây” – một ví dụ minh họa hoàn hảo cho tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường khi phải quyết định bán cổ phiếu:

“Truyện kể rằng có một ông lão đi vào rừng để bẫy gà tây.

Ông lão vào rừng, chọn được một chỗ gà tây thường đi đến kiếm ăn.

Ông ta làm một cái bẫy đơn giản, gồm một cái hộp lớn có cửa gắn bản lề ở trên đỉnh. Cánh cửa được giữ mở lên bằng một thanh chống có cột đoạn dây nối dài khoảng hơn 20m về phía sau tới chỗ người canh gác cái bẫy.

Một ít hạt bắp được ông lão rải dọc đường đi để nhử lũ gà tây vào bẫy.

Khi lũ gà tây chui vào bẫy, ông lão sẽ giật mạnh thanh chống để cánh cửa sập xuống. Khi cánh cửa bẫy sập xuống, lũ gà tây còn ẩn nấp bên ngoài sẽ sợ hãi và chạy mất. Thời điểm giật thanh chống là khi có nhiều gà tây nhất chui vào bẫy, theo như mong đợi của ông lão.

Đến chiều, có một đàn 10 con gà tây chui vào bẫy của ông ta.

Sau đó 1 con bước ra, còn lại 9 con. “Uổng quá, phải chi mình giật sợi dây khi còn đủ 10 con ở trong đó” – ông lão nghĩ, ” Mình sẽ chờ thêm 1 phút, có thể con kia sẽ quay trở vào.”

2 con gà tây nữa lại bước ra khỏi bẫy. “Đáng lẽ mình phải biết hài lòng với 9 con,” – ông lão nghĩ – “Ngay khi một con nữa quay trở lại, mình sẽ giật dây”.

Thêm 3 con nữa bước ra ngoài, và ông lão vẫn chờ đợi.

Với việc từng chứng kiến 10 con gà tây nằm gọn trong bẫy của mình, ông không muốn về nhà với ít hơn 6 con gà. Ông không thể từ bỏ ý nghĩ rằng một vài con gà ban đầu sẽ quay trở lại.

Cuối cùng chỉ còn sót một con gà tây duy nhất ở trong bẫy, ông lão nghĩ, “Mình sẽ đợi đến khi nào nó đi ra hoặc một con khác bước vào, rồi mình sẽ về”.

Con gà tây cô độc còn lại chạy vội theo đàn, ông lão trở về trắng tay.”


Đây là một câu chuyện đáng suy ngẫm. Thực tế, tâm lý nhà đầu tư không khác gì so với suy nghĩ của ông lão bẫy gà tây kia.

Bạn mua một cổ phiếu với hi vọng tìm kiếm lợi nhuận, vậy nên, khi giá đi xuống bạn rất khó bán chúng đi và chấp nhận thua lỗ, bạn thường hy vọng giá cổ phiếu sẽ hồi phục và khi đó, bạn mới bán chúng.

Tuy nhiên!

Với việc lỗ 5% thì bạn cần đầu tư lãi sau đó 5.3% thì mới hoàn vốn.

Nếu số lỗ là 20% thì bạn phải lãi 25%, và khi số lỗ lên đến 50% thì bạn phải lãi 100% thì mới hoàn vốn (nhưng biết tìm đâu cho được một cổ phiếu tăng giá gấp đôi trên thị trường chứng khoán Việt Nam???)

“Đừng tập trung vào việc kiếm tiền, hãy tập trung bảo vệ những gì bạn có” – Paul Tudor Jones

Có thể thấy rõ, khi rơi vào tình cảnh phải “cắt lỗ”, bạn càng thực hiện sớm bao nhiêu thì số tiền đầu tư của bạn sẽ được bảo vệ nhiều bấy nhiêu.

Khi đó, cơ hội để bạn có thể sửa sai, kiếm lại số tiền đã mất sẽ nhanh hơn là việc bạn ngồi chờ giá cổ phiếu hồi phục và bán nó.

 

Nguyên nhân nào dẫn đến sai lầm

khiến bạn phải “cắt lỗ”

Có rất nhiều sai lầm cơ bản trong đầu tư buộc bạn phải “cắt lỗ”, như: mua bán cổ phiếu chỉ theo các chỉ báo kỹ thuật, mua bán theo tin đồn, việc sử dụng Margin quá nhiều hay mua bán theo khuyến nghị của người khác…

Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ, lý do khiến bạn phải “cắt lỗ” đến từ chính việc Lựa chọn cổ phiếu để đầu tư của bạn.

Việc bạn lựa chọn cổ phiếu của 1 doanh nghiệp làm ăn minh bạch, lành mạnh, có thương hiệu, kết quả kinh doanh ổn định là tự bản thân bạn đã “mua bảo hiểm” cho khoản tiền đầu tư của mình.


Nhà đầu tư huyền thoại xứ Omaha – Warrent Buffett từng nói:

“Nguyên tắc số 1: Không bao giờ để mất tiền. Nguyên tắc số 2: Không bao giờ quên nguyên tắc số 1”.

Điều làm Warrent Buffett “không bao giờ để mất tiền” đó là việc ông luôn cố gắng làm tốt nhất việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư.

Ông mua những doanh nghiệp tuyệt vời với giá cả phải chăng và nắm giữ chúng suốt đời mà không phải “cắt lỗ”.

Thị trường về dài hạn là cỗ máy định giá hoàn hảo, và sớm hay muộn thì theo thời gian cổ phiếu rồi cũng sẽ tìm về giá trị thực của nó.

 

Vậy “cắt lỗ” thế nào cho đúng?

Trên thực tế, không có một quy tắc cụ thể nào quy định mức thua lỗ cho nhà đầu tư cả.

Mỗi cá nhân là một chủ thế có tính cách, tư duy, tính kiên nhẫn cũng như sức chịu đựng khác nhau.

Vì thế, mỗi nhà đầu tư phải tự xây dựng cho mình quy tắc “cắt lỗ” phù hợp với bản thân, và cũng không nhất thiết phải đặt ra mức giới hạn thua lỗ giống nhau cho mọi khoản đầu tư.

“Luôn giới hạn mức thua lỗ tối đa 7 – 8% so với giá mua vào, không có ngoại lệ” – Đây là lời khuyên của William O’Neil – nhà đầu tư nổi tiếng với phương pháp CANSLIM.

Theo ông, nếu bạn cắt lỗ những khoản đầu tư ở mức 7% – 8% và bán một cổ phiếu khi nó tăng giá 25%, như vậy bạn chỉ cần quyết định đúng 1 lần trong khi bạn được phép phạm sai lầm đến 3 lần, mà không rơi vào tình trạng rắc rối.

William O’Neil cũng tiết lộ 1 bí quyết thành công, đó là: Nếu bạn sử dụng biểu đồ kỹ thuật để xác định điểm mua bán, việc bạn “mua khi nó vừa vươn lên từ một nền tảng giá ổn định thì cổ phiếu của bạn sẽ hiếm khi rơi xuống 8% so với điểm mua đúng”.

  • Tuy nhiên, không phải khi cổ phiếu đến ngưỡng giới hạn lỗ của bạn, thì bạn mới “cắt lỗ”. Bạn phải lên kế hoạch “cắt lỗ” ngay khi nhận ra sai lầm của mình và tìm cách giảm thiểu thiệt hại càng sớm càng tốt.

  • Thậm chí ngay cả khi bạn mới chỉ lời lãi chút ít sau khi mua, nhưng nhận thấy rủi ro tiềm ẩn của một đợt giảm giá mạnh thì bạn cũng nên nhanh chóng kết thúc khoản đầu tư này của mình.

Hãy coi những khoản thua lỗ nhỏ là khoản tiền bảo hiểm phải chăng mà bạn mua trên thị trường chứng khoán.

Thậm chí, trong rất nhiều trường hợp, cổ phiếu tăng giá ngay sau khi bạn bán ra, thì bạn cũng không việc gì phải tiếc nuối. Vì mục đích cuối cùng của bạn là giữ thua lỗ ở mức an toàn, và vì thế bạn sẽ vẫn còn tiền để đầu tư vào những cơ hội mới, tốt hơn trên thị trường.

Hãy hành động ngay lập tức để loại bỏ những sai lầm.

Bí quyết để thành công trên thị trường chứng khoán không phải là bạn đúng trong mọi trường hợp, mà là giảm thiểu tổn thất khi bạn phạm sai lầm.

Như đã đề cập, việc lựa chọn cổ phiếu là bước quan trọng giúp bạn có thể hạn chế thua lỗ khi đầu tư.

Hiện có khá nhiều phương pháp giúp bạn chọn lọc và đánh giá cổ phiếu hiệu quả.

Bạn có thể tham khảo bộ lọc cổ phiếu của GoValue và những nhà đầu tư vĩ đại khác như Warren Buffett, Benjamin Graham, CANSLIM, Philip Fisher, Peter Lynch…


bottom of page