top of page

Hướng dẫn toàn tập về bán khống (+Ví dụ thực tế)

Updated: Jun 27, 2023

Trong bài viết này, bạn sẽ được học tất cả những kiến thức cần thiết về bán khống.

Bao gồm

  • Hiểu đúng thế nào là bán khống

  • Cách thức thực hiện giao dịch bán khống

  • Bán khống tại thị trường Việt Nam

  • Những giao dịch bán khống nổi tiếng

Bán khống (hay Short selling) là gì?

Bán khống là hoạt động kiếm lợi nhuận từ việc giảm giá của chứng khoán, như cổ phiếu hay trái phiếu.

Thông thường khi đầu tư, bạn sẽ mua một cổ phiếu, nắm giữ và hy vọng thu được lợi nhuận từ việc giá cổ phiếu tăng (và cổ tức được nhận).

Ngược lại:

Với bán khống, bạn kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ giảm giá đi xuống.

Và để thu được lợi nhuận từ việc giá cổ phiếu đi xuống, bạn có thể MƯỢN 1 LƯỢNG CỔ PHIẾU và bán nó đi (do đó, bán khống được hiểu là bán khi bạn không nắm giữ cổ phiếu).

Trong tương lai, khi giá cổ phiếu giảm về mức mà bạn kỳ vọng, bạn có thể mua lại lượng cổ phiếu đó (đóng trạng thái, close position) với mức giá thấp hơn và…

…hưởng lợi từ chênh lệch giá, giữ giá bán (ban đầu) và giá mua lại (trong tương lai).

Ví dụ:

Giả sử trong 1 năm tới, bạn tin rằng giá cổ phiếu MWG sẽ giảm về mức 100k/cổ phiếu. Khi đó, để kiếm lời từ việc này, bạn quyết định bán khống cổ phiếu MWG.

Cụ thể, bạn mượn 10,000 cổ phiếu MWG (mượn ở đâu thì mình sẽ chi tiết ở dưới) và bán khống trên thị trường.

Chi tiết cho giao dịch này sẽ như sau:

Trong ví dụ trên, bạn đã lãi 280 triệu cho giao dịch bán khống này.

Tuy nhiên, đây chỉ là trong trường hợp tích cực, khi bạn dự đoán đúng xu hướng giá cổ phiếu.

Trong thực tế, nếu giá cổ phiếu lại tăng lên 150k/cổ phiếu thì bạn sẽ lỗ 22.000đ cho mỗi cổ phiếu (cụ thể, 150k – 128k).

Khi đó, tổng lỗ của bạn sẽ là 220 triệu.

Ở đây bạn có thể thấy:

Mặc dù giao dịch bán khống có thể đem lại cho bạn lợi nhuận rất lớn (kể cả khi bạn không sở hữu cổ phiếu và giá cổ phiếu giảm), nhưng luôn tồn tại rủi ro rất lớn khi giá cổ phiếu luôn biến động.

 

Cách thực hiện bán khống như thế nào?

Thực tế là, thị trường Việt Nam chưa cho phép bán khống.

Việc thực hiện giao dịch bán khi không sở hữu cổ phiếu là vi phạm pháp luật (theo Luật chứng khoán 2006).

Tuy nhiên, nếu bạn muốn tìm hiểu, vẫn có 1 vài cách sau đây

Cảnh báo: Cách làm này có thể không hợp pháp và không được bảo vệ bởi pháp luật nếu xảy ra tranh chấp. Mọi thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất chia sẻ cá nhân và không nên được xem như 1 lời khuyên. Bạn nên tham khảo các chuyên gia tư vấn về pháp lý trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.

Cách #1: Vay/mượn cổ phiếu từ Tay to (Big Boys)

Thông thường thì những đội nhóm trên thị trường luôn nắm giữ một lượng rất lớn cổ phiếu của những doanh nghiệp đầu ngành.

Nếu muốn bán khống 1 cổ phiếu nào đó mà Big Boys đang nắm giữ, họ sẵn sàng cho mượn để bán khống.

Tất nhiên sẽ phải “đặt cọc” (ký quỹ margin) 1 khoản tiền mặt để đảm bảo rằng bạn không “trở mặt” khi lỡ bị lỗ, hay giá cổ phiếu tăng.

Khoản đặt cọc, ký quỹ này có thể từ 20 – 30% tổng giá trị giao dịch và đây chính là tổng số vốn bạn cần bỏ ra ban đầu.

Như ví dụ ở trên:

  • Giá trị giao dịch ban đầu là 128.000đ/cổ phiếu * 10.000 cổ phiếu = 1.28 tỷ VNĐ.

  • Phần vốn bạn phải bỏ ra để ký quỹ là khoảng 20% * 1.28 tỷ = 256 triệu VNĐ.

=> Chỉ với số vốn 256 triệu, bạn có thể thực hiện 1 giao dịch có trị giá 1.28 tỷ VNĐ, và có thể có lãi đến 280 triệu, lãi 109% nếu dự đoán đúng…

Nhưng ngược lại, chỉ với mức tăng 17% của cổ phiếu (từ 128k lên 150k), bạn sẽ lỗ 220 triệu và mất gần như toàn bộ số vốn hiện có.

Và ngay khi số vốn ký quỹ của bạn đã mất hết, Big Boys sẽ yêu cầu bạn bổ sung tiền mặt để duy trì trạng thái bán khống.

Nếu bạn không còn tiền mặt?

Họ sẽ đóng trạng thái của bạn, thu hồi cổ phiếu đã cho bạn mượn và giữ lại toàn bộ số tiền bạn đã “đặt cọc”.

(Gợi ý: Bạn có thấy giống đánh bạc không?)


Cách #2: Bán hợp đồng tương lai chỉ số VN30

Cách làm này về bản chất, tương tự như bán khống nhưng hoàn toàn hợp pháp.

Cụ thể:

Tuy nhiên, điểm hạn chế của cách làm này là bạn sẽ không thể bán khống 1 cổ phiếu cụ thể nào.

Mà thay vào đó, bạn sẽ bán khổng toàn bộ chỉ số VN30 (rổ cổ phiếu bao gồm 30 cổ phiếu đại diện, thường có vốn hóa và thanh khoản cao nhất).

Khi đó, bạn sẽ phải dự báo được xu hướng chung của VN30:

  • Liệu chỉ số này có đi xuống trong tương lai hay không?

  • Xu hướng của những cổ phiếu lớn trong rổ chỉ số VN30 như thế nào?

Thực tế là…

…việc dự đoán giá cổ phiếu hay biến động của (chỉ số) thị trường là việc cực kỳ khó, thậm chí là không thể.

(Thú thật, mặc dù có hơn 12 năm kinh nghiệm đầu tư chuyên nghiệp, tôi cũng không có năng lực dự đoán được sự biến động của chỉ số thị trường).

Vì thế, cá nhân tôi tin rằng, hoạt động bán khống chỉ nên thực hiện nếu bạn là 1 CHUYÊN GIA THỰC SỰ và chỉ trong 1 vài trường hợp đặc biệt.

 

Nên sử dụng bán khống trong trường hợp nào?

Cũng giống như hầu hết giao dịch khác, hầu hết mọi người thực hiện bán khống với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận.

Và thực tế, trong lịch sử đầu tư, có rất nhiều thương vụ bán khống tạo nên những huyền thoại với những mức lợi nhuận khổng lồ.

Trường hợp #1: Tìm kiếm lợi nhuận

Bạn sẽ làm gì để có lợi nhuận nếu giá cổ phiếu đã tăng ở mức rất cao? Chỉ số thị trường đã tăng liên tục 100% – 200%?

Thông thường, trong những giai đoạn thị trường tăng nóng, thì việc tìm kiếm những cơ hội đầu tư hấp dẫn (cụ thể là những cổ phiếu đang giao dịch dưới giá trị thực của nó) sẽ rất khó khăn.

  • Nhà đầu tư chuyên nghiệp nhìn thấy xu hướng giá giảm trong tương lai và sẵn sàng bán khống cổ phiếu hoặc chỉ số để tối đa lợi nhuận.

  • Hoặc trong 1 số trường hợp, khi bạn là người làm việc trong chính doanh nghiệp và bạn biết 1 thông tin rất tiêu cực về công ty mà có thể khiến giá cổ phiếu giảm sâu nếu thị trường biết được tin này. => Khi đó, bạn có thể bán khống cổ phiếu trước khi thông tin nội bộ được đưa lên media.

  • Hoặc 1 tình huống kinh điển nhất là bán khống trong giai đoạn bong bóng tài sản (trước khủng hoảng tài chính).

Đây là cơ hội “ngàn vàng” dành cho bạn để bán khống để tìm kiếm lợi nhuận (case study chi tiết ở dưới).

Tuy nhiên, tôi muốn cảnh báo bạn 1 lần nữa:

Vì mức lỗ đối với giao dịch bán khống là không giới hạn, bạn có thể “cháy” tài khoản chỉ trong 1 vài phiên giao dịch.

Nên nếu bạn không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này, tốt nhất là bạn không nên “thử liều” với bán khống.


Trường hợp #2: Phòng vệ (hedging) cho danh mục đầu tư

Đối với 1 người quản lý quỹ (hoặc khi bạn là 1 nhà đầu tư chuyên nghiệp), phòng vệ (hedging) luôn là 1 công cụ quan trọng và hữu dụng để giảm thiểu rủi ro ngắn hạn do tác động từ những biến động của thị trường.

Ví dụ:

Khi danh mục đầu tư của bạn có giá trị rất lớn, giả sử, khoảng 20 tỷ và chủ yếu nắm giữ những cổ phiếu lớn trong rổ VN30.

Đến những giai đoạn thị trường tăng nóng (như giai đoạn 2016 – đầu 2018), danh mục của bạn đang lãi trên +50%.

Bạn sẽ làm gì?

Cách #1: Đơn giản nhất là: BÁN CỔ PHIẾU

Cách làm này hợp lý về mặt lý thuyết vì bạn có thể dễ dàng chốt lãi và thu tiền mặt về…

…nhưng thực tế, vì bạn nắm giữ rất nhiều cổ phiếu, việc bán chốt lãi cổ phiếu sẽ có rất nhiều điểm tiêu cực.

Cụ thể:

  • Giá mà bạn bán sẽ giảm dần nếu bạn bán với lô lớn

  • Việc bán với lô lớn sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của những nhà đầu tư nhỏ lẻ khác và có thể tạo thành hiệu ứng domino khiến giá cổ phiếu càng giảm sâu hơn

  • Khi bạn muốn đầu tư dài hạn và không muốn giữ nhiều tiền mặt (để tiền mặt là “tiền chết”)

  • Khi bạn là cổ đông có liên quan đến doanh nghiệp và việc bán cổ phiếu là điều “cấm kỵ”

Nói ngắn gọn:

Nếu bạn nắm giữ 1 lượng rất lớn cổ phiếu thì việc bán cổ phiếu để chốt lãi là điều không dễ dàng.

Vậy làm thế nào để vẫn bảo toàn được lợi nhuận mà không cần bán cổ phiếu?

Có 1 cách khác đơn giản hơn…


Cách #2: Thực hiện giao dịch hedging

Trong trường hợp này, bạn có thể thực hiện giao dịch phòng vệ hedging bằng cách…

…bán hợp đồng tương lai chỉ số VN30.

Với cách làm này, bạn sẽ không cần bán cổ phiếu khi dự báo cổ phiếu có thể giảm trong tương lai (tất nhiên chỉ là giảm ngắn hạn và không phải là bong bóng tài sản!) vì danh mục đã được phòng vệ.

Cụ thể:

  • Giá cổ phiếu giảm làm giảm lợi nhuận của danh mục

  • Giao dịch bán hợp đồng tương lai chỉ số VN30 sẽ có lãi và bù đắp cho phần lỗ từ việc cổ phiếu giảm

Tất nhiên, trong trường hợp này bạn cần tính toán chi tiết tỷ lệ % danh mục mà bạn muốn phòng vệ để có thể xác định quy mô phù hợp cho giao dịch bán hợp đồng tương lai tương ứng.

Note: Hedging là 1 chủ đề chuyên sâu hơn về việc phòng ngừa rủi ro vì thế tôi sẽ không phân tích chi tiết trong bài viết này. Bạn có thể tham khảo chi tiết hơn ở đây.

 

Những phi vụ bán khống nổi tiếng thế giới

Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ giới thiệu với bạn 2 phi vụ bán khống kinh điển nhất, để bạn hiểu được tầm quan trọng của bán khống và những lợi ích to lớn của nó nếu bạn sử dụng hợp lý với mục đích rõ ràng.

Case study #1: The Big Short – Đại khủng hoảng

Đây là 1 trong những bộ phim hay nhất về thị trường chứng khoán mà bạn không nên bỏ qua.

Bộ phim (dựa trên cuốn sách cùng tên: The Big Short) kể lại diễn biến của thị trường Mỹ trước đợt Đại khủng hoảng năm 2007.

Trong đó, nhân vật chính được nhắc đến là Michael Burry, một nhà quản lý quỹ của 1 quỹ đầu tư phòng hộ (hedge fund).

Cụ thể:

Michael đã phát hiện ra những điểm yếu chết người trong hệ thống cho vay dưới chuẩn (subprime loans) và thị trường bất động sản Mỹ trong năm 2005; và dự đoán rằng toàn bộ hệ thống sẽ sụp đổ vào khoảng quý 2/2007.

Để tận dụng cơ hội này, Michael đã thực hiện hàng loạt những giao dịch hoán đổi (cụ thể, credit default swap) có bản chất tương tự như bán khống…

…cho phép anh “đánh cược” với việc những chứng khoán có đảm bảo (mortgage-backed securities) sẽ sụp đổ.

Kết quả?

Thị trường sụp đổ như tính toán của Michael.

Quỹ do anh quản lý thu về lợi nhuận hơn 489% với lợi nhuận thực hơn 2.69 tỷ USD.


Case study #2: George Soros gây ra khủng hoảng Châu Á 1997

George Soros là 1 trong những nhà quản lý quỹ đầu cơ huyền thoại và thường được so sánh đối ngược với Warren Buffett với triết lý đầu tư giá trị.

Có rất nhiều thương vụ thành công đình đám (như vụ bán khống đồng Bảng Anh chống lại Chính phủ Anh) nhưng có lẽ việc bán khống những đồng tiền châu Á năm 1997 gây ra nhiều tranh cãi và tốn “giấy mực” nhất.

Mặc dù đến 2006 (9 năm sau khủng hoảng), Thủ tướng Malaysia có cuộc gặp với George Soros và thừa nhận rằng Soros không phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, bạn sẽ nhìn thấy rõ bản chất của bán khống trong những giao dịch của Soros nếu đọc những gì Soros chia sẻ trong cuốn sách “The Crisis of Global Capitalism: Open Society Endangered”:


"Đầu năm 1997, quỹ Soros Fund Management nhận thấy rõ ràng rằng sự khác nhau giữa cán cân thanh toán và cán cân vốn (của các quốc gia Đông Nam Á) ngày càng trở nên không bền vững. Chúng tôi bán khống đồng baht Thái và ringgit của Malaysia vào đầu năm 1997 với thời gian đáo hạn từ 6 tháng đến 1 năm. Thủ tướng Mahathir của Malaysia đã buộc tội tôi gây ra khủng hoảng, đó thực sự là lời buộc tội vô căn cứ. Chúng tôi không bán đồng tiền này trong hoặc vài tháng trước khủng hoảng, mà ngược lại đã mua vào khi những đồng tiền này bắt đầu giảm giá. Chúng tôi mua vào ringgit để lấy lợi nhuận cho các khoản đầu cơ trước đó. Thời điểm là hơi sớm và chúng tôi đã để lại phần lớn lợi nhuận vì lo ngại Mahathir sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn. Đúng là ông ấy đã làm thế nhưng là một thời gian lâu sau đó."


Việc bán khống khi khủng hoảng xảy ra khiến đồng Bath và Ringgit lao dốc.

Trong nỗ lực dùng USD để mua vào đồng nội tệ để bảo vệ đồng tiền của mình, Chính phủ Thái Lan và Malaysia dần cạn kiện dự trữ ngoại hối và buộc phải thả nổi đồng nội tệ.

Hệ lụy của nó tác động lớn đến nền kinh tế và các d

oanh nghiệp không chỉ ở Thái Lan, Malaysia mà lan sang những nền kinh tế khác.

Đến hết 1998, GDP của khối ASEAN giảm hơn 218 tỷ USD, tương đương 31.7%.

Ở chiều ngược lại, quỹ đầu cơ của Soros thu về hơn 16 tỷ USD lợi nhuận ròng sau cuộc khủng hoảng này.

 

Lời kết

Dù bạn có thể nhìn thấy những khoản lợi nhuận khổng lồ có thể kiếm được từ bán khống, nhưng thực tế, đây không phải là “cuộc chơi” dành cho nhà đầu tư cá nhân.

Cá nhân tôi tin rằng, bạn không nên thực hiện bán khống.

Trong một số trường hợp đặc biệt, nếu bạn nắm giữ 1 danh mục rất lớn (hàng chục tỷ), thì bạn có thể sử dụng bán khống như 1 biện pháp hedging để bảo toàn lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.

Vậy nếu có ai đó mời chào bạn vay/mượn cổ phiếu để bán khống, bạn nên làm gì?

Lựa chọn là ở bạn và bạn nên hiểu rõ mình đang làm gì (với túi tiền của mình).


bottom of page